Tin tức

Dự thảo điều kiện nhập ô tô: nín thở chờ phút cuối!

Ngày đăng: 25/02/2019 397 lượt xem

Không chỉ giữ nguyên điều kiện phải có giấy xác nhận chỉ định là nhà nhập khẩu ô tô của chính hãng sản xuất, nhà nhập khẩu còn phải có thêm giấy chứng nhận ô tô nhập khẩu sẽ được bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi theo đúng quy định của nhà sản xuất.

Đây là những nội dung mới nhất về điều kiện quy định nhập khẩu ô tô nguyên chiếc chưa qua sử dụng trong dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.

 

Thay đổi vào phút cuối

Trung tuần tháng 5 rồi, các nhà nhập khẩu ô tô nhỏ lẻ, không chính thức và những người ủng hộ việc chống độc quyền kinh doanh ô tô nguyên chiếc nhập khẩu rất phấn khởi khi dự thảo nghị định điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô không có quy định thương nhân nhập khẩu phải có giấy chỉ định là nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất như quy định trong Thông tư 20/2011/TT-BCT vốn hạn chế quyền nhập khẩu ô tô đối với nhiều thương nhân trong nhiều năm qua.

 

Tuy nhiên, ở dự thảo nghị định mới nhất vào cuối tháng 6 rồi được điều chỉnh bổ sung những quy định được cho là gây bất lợi với nhà nhập khẩu nhỏ lẻ, không chính thức.

 

Cụ thể tại Điều 15 của dự thảo nghị định mới quy định: “Doanh nghiệp nhập khẩu phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ô tô nước ngoài về việc chỉ định doanh nghiệp nhập khẩu ô tô và chứng nhận ô tô nhập khẩu sẽ được bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi theo đúng quy định của nhà sản xuất”. Giấy chứng nhận của nhà sản xuất ô tô nước ngoài này theo dự thảo đưa ra là phải có hiệu lực tối thiểu 3 năm.

 

Với những quy định bổ sung nói trên trong dự thảo, giới phân tích cho rằng những điều kiện này không khác gì quy định các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng, như tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương trước đây. Tức là chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu xe chính hãng mới có thể xin được cam kết này từ nhà sản xuất.

 

Đã thế, nội dung bổ sung của dự thảo còn yêu cầu nhà nhập khẩu phải có giấy xác nhận của nhà sản xuất ô tô nước ngoài về việc chứng nhận ô tô nhập khẩu sẽ được bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi theo đúng quy định của nhà sản xuất.

 

Giới phân tích cho rằng nếu những điều kiện bổ sung quy định về nhập khẩu ô tô này được thông qua xem như cánh cửa nhập khẩu ô tô đối các doanh nghiệp nhỏ lẻ, không chính thức bị đóng lại hoàn toàn.

 

Bởi lẽ những doanh nghiệp nhập khẩu không chính thức thường nhập khẩu ô tô qua trung gian và không có mối liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất. Vì vậy, bất cứ những quy định nào đặt ra yêu cầu phải có cam kết của nhà sản xuất được xem như là điều bất khả thi đối với các nhà nhập khẩu không chính thức, kinh doanh nhỏ lẻ.

 

Tuy dự thảo nghị định này chưa được thông qua, nhưng thời gian để đóng góp ý kiến dường như không còn nữa, nên giới quan sát cho rằng có khả năng đây sẽ là nội dung dự thảo nghị định cuối cùng để chính thức trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

 

Vì bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Câu hỏi đặt ra là ở dự thảo nghị định ban đầu không có quy định như trên nhưng vì sao đến phút chót lại bổ sung vào, mang tính quyết định để loại bỏ hoàn toàn việc tham gia thị trường trở lại của những nhà nhập khẩu ô tô không chính thức?

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một trong hai bộ chủ trì soạn thảo (bộ khác là Bộ Giao thông Vận tải), vào ngày 28-6 rồi, để phục vụ cuộc họp ngày 29-6 cho dự thảo nghị định rằng: nhiều cơ quan tổ chức đã có ý kiến về việc cần thiết phải có cam kết hoặc ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài để bảo đảm việc bảo hành, triệu hồi, khắc phục sản phẩm ô tô bị lỗi kỹ thuật theo đúng tiêu chuẩn của xe nhập khẩu nhằm bảo vệ quyền lợi và an toàn của người tiêu dùng.

 

Cụ thể theo báo cáo này của Bộ Công Thương, ngày 31-5-2017, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thiện dự thảo nghị định cùng các hồ sơ liên quan và trình Chính phủ xem xét ban hành tại Tờ trình 4792/TTR-BCT. Sau khi trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ ngành, hiệp hội, luật gia và doanh nghiệp.

 

Dự thảo nghị định mới đưa ra điều kiện được xem là khó cho các nhà nhập khẩu không chính thức giống như quy định của Thông tư 20 trước đây - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Các phương án tại dự thảo 3 của nghị định đã trình Chính phủ quy định doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô bị lỗi kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

 

Theo Ban soạn thảo, quy định này là phù hợp với Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm thu hồi hàng hóa khuyết tật để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.

 

Khoản 3 Điều 5 dự thảo 3 của nghị định đưa ra 2 phương án xin ý kiến của Chính phủ về vấn đề này. Phương án 1 là doanh nghiệp nhập khẩu có trách nhiệm tiếp cận với chương trình triệu hồi của nhà sản xuất công bố, chủ động thông tin đến khách hàng và thực hiện khắc phục các lỗi kỹ thuật theo đúng quy định và hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

Ở phương án 2, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải có cam kết từ phía các nhà sản xuất ô tô (hoặc đại diện thương mại hợp pháp của nhà sản xuất đó tại quốc gia xuất khẩu) về trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu và hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình bảo hành, bảo dưỡng và bảo đảm cung cấp các linh kiện, phụ tùng phù hợp thay thế đảm bảo chất lượng kỹ thuật của xe nhập khẩu, trừ trường hợp nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều cơ quan, tổ chức đã có văn bản kiến nghị về việc ràng buộc trách nhiệm cam kết hoặc ủy quyền của nhà sản xuất ô tô nhập khẩu đối với trách nhiệm triệu hồi và bảo hành ô tô nhập khẩu.

 

Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Tư pháp, đối với trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng ô tô của doanh nghiệp nhập khẩu, không phải bao giờ doanh nghiệp nhập khẩu cũng bảo đảm đội ngũ nhân lực và hệ thống linh kiện, phụ tùng chính hãng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm nhập khẩu, có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn của người tiêu dùng.

 

Vì vậy, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét bổ sung cam kết của nhà sản xuất nước ngoài trong việc hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ tùng, linh kiện thay thế phù hợp với yêu cầu chất lượng của xe nhập khẩu.

 

Tương tự, VAMA và EuroCham cũng cho rằng doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cần cung cấp các tài liệu chứng minh trách nhiệm cam kết hoặc ủy quyền của nhà sản xuất ô tô nhập khẩu trong việc triệu hồi và bảo hành sản phẩm nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn của ô tô nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Còn đối với ý kiến của VCCI thì doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhập khẩu phải chịu trách nhiệm triệu hồi ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật; doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhập khẩu có thể ủy quyền cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô thực hiện việc triệu hồi.

 

Trách nhiệm của các bên liên quan

Từ đó, cơ quan soạn thảo kiến nghị cần lựa chọn phương án để ràng buộc trách nhiệm của nhà sản xuất ô tô nước ngoài nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về bảo hành, triệu hồi ô tô nhập khẩu trong thực tế, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

 

Lý giải về việc chỉnh sửa, bổ sung điều kiện kinh doanh nhập khẩu ô tô theo dự thảo nghị định mới nhất, cơ quan soạn thảo cho rằng do ô tô là sản phẩm tích hợp nhiều công nghệ cao, việc triệu hồi ô tô phải do chính nhà sản xuất quốc tế thông qua các đơn vị được ủy quyền chính thức thực hiện.

 

Bởi hoạt động triệu hồi diễn ra trên diện rộng và công tác khắc phục, sửa chữa hay thay thế linh kiện, phụ tùng đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nhà sản xuất nhằm đảm bảo không để tình trạng tương tự tái diễn sau khi đã triệu hồi một số lượng lớn các sản phẩm. Doanh nghiệp nhập khẩu chỉ đóng vai trò trung gian trong việc thực hiện triệu hồi sản phẩm của các nhà sản xuất xe nhập khẩu.

 

Mặt khác, theo cơ quan soạn thảo, doanh nghiệp nhập khẩu không phải trong mọi trường hợp đều có đủ đội ngũ nhân lực bảo đảm việc bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo đúng các tiêu chuẩn sản phẩm của nhà sản xuất nước ngoài, đặc biệt trong quá trình khắc phục lỗi kỹ thuật khi thực hiện triệu hồi sản phẩm.

 

Bên cạnh đó, nhiều thương hiệu ô tô có các phần mềm chuyên biệt, các linh kiện đặc thù mang tính bản quyền cao, liên quan đến an toàn vận hành của sản phẩm. Nếu các nhà nhập khẩu không bảo đảm được các yêu cầu này, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi họ không thể được đảm bảo chế độ bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo đúng các tiêu chuẩn của sản phẩm nhập khẩu.

 

Theo giới phân tích, dự thảo nghị định nói trên đang chờ ý kiến các thành viên Chính phủ để có kết luận cuối cùng. 

Hỗ trợ Trực tuyến

Bài viết khác

Chào đón các Next Gen của Bình Thuận Ford đến với YoYo Music Festival!
30/08/2023
90 lượt xem
LỄ RA MẮT FORD RANGER RAPTOR THẾ HỆ MỚI - 28.06.2023 TẠI SHOWROOM BÌNH THUẬN FORD Một trong những sự kiện đáng mong chờ nhất của Bình Thuận Ford
12/08/2023
61 lượt xem
Sự kiện ra mắt và giới thiệu các tính năng mới được trang bị trên Ford Everest titanium 1 cầu phiên bản Nâng cấp
21/02/2023
298 lượt xem
Hòa chung không khí hứng khởi của những ngày đầu xuân năm mới, ngày 31/01/2023 (nhằm ngày Mùng 10 Tết) năm Quý Mão, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần Ô Tô Bình Thuận có mặt đông đủ tại trụ sở Công ty để dự lễ khai xuân năm mới với mong muốn doanh nghiệp bước vào một năm mới với những thành công mới. Buổi họp mặt đầu năm của Công ty Cổ phần Ô Tô Bình Thuận diễn ra trong không khí ấm áp, thân mật.
01/02/2023
227 lượt xem
Chiều ngày 16-01-2023 sự kiện Year End Party của Bình Thuận Ford và Mitsubishi Bình Thuận đã được tổ chức tại TTC 19/4.
19/01/2023
164 lượt xem
Các phiên bản xe bán tải Ford Ranger Thế hệ mới bao gồm : Ranger XL 4x4MT ,Ranger XLS 4x2MT, Ranger XLS 4x2AT, Ranger XLS 4x4AT, Ranger XLT 4x4AT, Ranger Wildtrak 4x4 AT
18/01/2023
381 lượt xem
X
Đặt lịch bảo dưỡng
X
Đăng ký lái thử
X
Nhận báo giá
X
Đăng ký lịch hẹn
X
Định giá xe của tôi
X
Gọi lại cho tôi